THIÊN CHÚA MUỐN GÌ? Thánh Clê-men-tô* ở Alexandria, một trong những giáo phụ lớn của Giáo Hội, có lần nói: « Thiên Chúa vì con người mà dựng nên con người, và Ngài muốn có con người ». Vậy, nếu Chúa là tình yêu nhưng không, thì tại sao Ngài lại cứ bắt ta tôn thờ và ngợi ca? Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã dùng lại câu « vì con người mà dựng nên con người » nhiều chỗ khác nhau trong các thông điệp của ngài. Ngài dùng câu đó dựa theo í của Immanuel Kant* và suy diễn thêm theo một cách mới. Kant nói, con người là vật duy nhất mang trong chính mình một mục đích, và không phải trở thành mục đích cho một cái gì khác. Giáo chủ thì nói : Thật ra, con người mang trong chính mình một kết thúc, và về phần nó, nó lại không phải là mục đích cho một cái gì khác. Điều đó cũng là thành trì chở che vững vàng cho mỗi con người. Bởi vì Thiên Chúa tạo hoá muốn rằng, không ai có quyền dùng kẻ khác như một phương tiện - dù kẻ đó nghèo hèn hay yếu kém-, cho một mục đích nào đó cao hơn. Ngày nay, trước những thí nghiệm con người, ngay cả việc thí nghiệm phôi thai, điều đó đã trở thành một chân lí cao trọng, nó trở thành một thành trì bảo vệ rất quan trọng cho phẩm giá con người. Nhân quyền chẳng là gì khác ngoài việc không được biến con người thành phương tiện, nhưng là để cho họ có được một phẩm giá bảo toàn. Nhưng sự kiện đó không có nghĩa là con người hành động đúng, khi nó tự khép kín, khi nó chỉ biết có mình nó mà thôi. Con người là một vật tương giao. Nghĩa là gì ? Trước hết, con người được dựng nên để hướng về tình yêu, hướng về giao tiếp với người khác. Nó không phải là vật chỉ sống cho mình, chỉ biết có mỗi mình mà thôi, không phải là một ốc đảo, nhưng bản chất của nó là giao tiếp. Không có giao tiếp, nó sẽ tự huỷ. Và con người giống Chúa là chính chỗ đó. Là vì, như giáo huấn về Chúa ba ngôi dạy, bản chất của Chúa cũng là tương giao. Như vậy, tương giao của con người trước hết là tương giao giữa người với người, nhưng đó cũng là tương giao với cái vô cùng, với chân lí, với chính tình yêu. Đó là điều bắt buộc? Tương giao đó hẳn không hạ giá con người. Nó không biến con người thành phương tiện, nhưng trao cho con người tầm lớn của nó, vì chính con người ở trong một tương giao trực tiếp với Chúa và con người trực tiếp được Chúa muốn. Vì thế, không được phép nhìn việc thờ phượng Chúa như là một công việc bề ngoài, như thể đó là chuyện Chúa muốn, hoặc như thể là Chúa cần những nịnh bợ. Chuyện đó xem ra trẻ con, thật khó chịu và buồn cười. Vậy thì thế nào? Thờ phượng hiểu đúng nghĩa, là tôi sống đúng với bản chất tương giao của con người tôi, như vậy là tôi sống đúng với mục đích hiện hữu của đời tôi. Và đó là một cuộc sống theo í Chúa, nghĩa là đi tới đồng í với chân lí và với tình yêu. Đây không phải là ta làm một cái gì để Chúa cũng được vui. Thờ phượng nghĩa là chấp nhận đường bay của mũi tên cuộc đời mình. Chấp nhận rằng mục đích của đời tôi không phải là cho chính mình, nhưng tôi phải vươn lên trên mọi mục tiêu khác. Nghĩa là vươn tới hợp nhất với đấng muốn tương giao với tôi, và đấng đó đồng thời cũng để tôi hoàn toàn tự do trong hành động mình. Và đó thật là điều Chúa muốn nơi ta ? Đúng.
|